Việc hiểu được cổ phiếu là gì và hiện tại trên thị trường có bao nhiêu cách để phân loại cổ phiếu là một khởi đầu tốt khi tham gia vào công cuộc đầu tư cổ phiếu.
I. Cổ phiếu là gì?
Cổ phiếu có tên tiếng anh là Stock, là một loại chứng khoán nhằm xác định quyền sở hữu cổ phần của công ty, đơn vị phát hành. Những người nắm giữ cổ phiếu sẽ trở thành cổ đông của công ty, doanh nghiệp phát hành
Ngoài ra, cổ phiếu còn là một lại tài sản chuyển nhượng, có thể chuyển từ chủ sở hữu này sang người sở hữu khác bằng nhiều hình thức như: thừa kế, tặng, thế chấp... Mệnh giá và giá trị của cổ phiếu sẽ bị tác động trực tiếp từ thị trường chung và quan trọng là hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Hiện tại thị trường cổ phiếu trong nước có gần 2000 doanh nghiệp được niêm yết trên cả 3 sàn, và con số này sẽ còn tiếp tục tăng lên. Điều này khiến cho các nhà đầu tư mới rất khó khăn và bối rối khi không biết nên chọn cổ phiếu hay nhóm cổ phiếu nào để theo dõi và đầu tư. Vậy để có thể phân loại các cổ phiếu thành các nhóm nhỏ hơn và có thể xác định khi nào thì nhóm đó nên được lựa chọn trong danh mục “watch list” của bạn, hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để cùng giải đáp vấn đề này!
II. Các loại cổ phiếu trên thị trường
1. Cổ phiếu phổ thông và cổ phiếu ưu đãi
Cổ phiếu phổ thông – đôi khi được gọi là cổ phiếu thường – đại diện cho quyền sở hữu một phần vốn góp của công ty. Sở hữu cổ phiếu thường cho phép nhà đầu tư được hưởng lợi nhuận biến động dựa trên lợi nhuận công ty tạo ra, khoản lợi nhuận này thường được phân phối dược dạng cổ tức. Nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu thường có quyền biểu quyết để bầu ra hội đồng quản trị của công ty và các chính sách lớn của công ty như mua bán sáp nhập công ty khác.
Trong trường hợp công ty đó phá sản, nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu thường sẽ được hưởng quyền lợi dựa trên phần tài sản thanh lý, nhưng chỉ sau khi các chủ nợ và những cổ đông nắm giữ cổ phiếu ưu đãi được thanh toán. Cổ phiếu thường còn đóng vai trò như một khoản thưởng cho sự đóng góp của ban điều hành và nhân viên (cổ phiếu ESOP).
Mặt khác, cổ phiếu ưu đãi, cho phép nhà đầu tư được trả cổ tức một cách đều đặn trước khi lợi nhuận được phân phối cho cổ đông thường. Như đã đề cập ở trên, cổ đông nắm giữ cổ phiếu ưu đãi được thanh toán lợi ích trước các cổ đông phổ thông trong trường hợp công ty phá sản.
Tuy nhiên cổ phiếu ưu đãi không có quyền biểu quyết và cũng như khó có lợi nhuận từ lãi vốn khi không được mua bán trên sàn như cổ phiếu phổ thông. Đây sẽ là một lựa chọn phù hợp với những nhà đầu tư tìm kiếm thu nhập đều đặn ngoài trái phiếu.
2. Cổ phiếu tăng trưởng so với cổ phiếu giá trị
Như tên gọi của chúng cho thấy, cổ phiếu tăng trưởng đề cập đến các cổ phiếu được kỳ vọng sẽ tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn so với thị trường chung. Nói một cách học thuật hơn thì các cổ phiếu tăng trưởng có xu hướng hoạt động tốt hơn trong “giai đoạn kinh tế mở rộng” và “lãi suất thấp”. Ví dụ, cổ phiếu công nghệ như FPT tăng trưởng tốt hơn đáng kể trong những năm gần đây, được thúc đẩy bởi sự mở rộng mạnh mẽ của nền kinh tế và khả năng tiếp cận nguồn vốn rẻ.
Ngược lại, cổ phiếu giá trị giao dịch ở giá thấp hơn so với lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của công ty có thể tạo ra, những cổ phiếu này thường được thị trường định giá ở mức hấp dẫn hơn so với ngành chung do chưa nhiều người phát hiện được tiềm năng của nó. Các cổ phiếu giá trị - chẳng hạn như tài chính, năng lượng, bất động sản – có xu hướng hoạt động tốt hơn trong giai đoạn kinh tế phục hồi, vì các công ty này thường tạo ra các dòng thu nhập đáng tin cậy trong khi giá của chúng đang bị đánh giá thấp.
3. Cổ phiếu thu nhập
Cổ phiếu thu nhập là cổ phiếu trả cổ tức cao hơn thị trường một cách đều đặn từ nguồn lợi nhuận hoặc tiền mặt dư thừa của công ty. Thông thường, những cổ phiếu này nằm ở trong lĩnh vực tiện ích, đặc điểm của các doanh nghiệp này là có độ biến động thấp và ít tăng vốn hơn so với cổ phiếu tăng trưởng, làm cho chúng phù hợp với những nhà đầu tư có mức độ ngại rủi ro cao, những người tìm kiếm nguồn thu nhập đều đặn.
4. Cổ phiếu Blue-chip
Cổ phiếu blue-chip là những công ty lâu đời và có giá trị vốn hóa lớn. Các công ty này có thành tích dài thành công trong việc tạo ra thu nhập một cách đáng tin cậy và dẫn đầu ngành hoặc lĩnh vực của họ. Các nhà đầu tư thận trọng có thể cân nhắc danh mục đầu tư của mình vào các cổ phiếu blue-chip, đặc biệt trong những giai đoạn biến động cao. Có thể dễ dàng tìm thấy các cổ phiếu blue-chip trong rổ chỉ số VN30.
5. Cổ phiếu chu kỳ và cổ phiếu không theo chu kỳ
Cổ phiếu chu kỳ chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi hoạt động của nền kinh tế chung và thường tuân theo các chu kỳ thị trường: mở rộng, chậm lại, suy thoái và phục hồi. Các cổ phiếu này thường biến động nhiều hơn và cho hiệu suất tốt hơn các cổ phiếu khác trong thời điểm nền kinh tế tăng trưởng mạnh lên khi người tiêu dùng có thu nhập cao hơn, từ đó chi tiêu tiêu dùng nhiều hơn . Ví dụ về cổ phiếu theo chu kỳ bao gồm những doanh nghiệp sản xuất như Tập đoàn Hòa Phát (HPG) hay Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM).
Mặt khác, cổ phiếu không theo chu kỳ thường nằm trong các ngành "chống suy thoái", những cổ phiếu này có xu hướng hoạt động tốt một cách đều đặn bất kể nền kinh tế. Cổ phiếu không theo chu kỳ thường tốt hơn cổ phiếu chu kỳ trong nền kinh tế suy thoái.
6. Cổ phiếu phòng thủ
Cổ phiếu phòng thủ là những cổ phiếu thường mang lại lợi nhuận đều đặn trong hầu hết các điều kiện kinh tế và môi trường thị trường chứng khoán. Các công ty này thường bán các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu, chẳng hạn như sản xuất mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, chăm sóc sức khỏe và tiện ích. Cổ phiếu phòng thủ có thể giúp bảo vệ danh mục đầu tư khỏi bị thua lỗ trong thời gian thị trường gặp sự kiện bán tháo hoặc thị trường giá xuống (down trend). Cổ phiếu phòng thủ cũng có thể là cổ phiếu giá trị, cổ phiếu thu nhập, cổ phiếu không theo chu kỳ hoặc cổ phiếu blue-chip.
7. Cổ phiếu IPO
Khi một công ty cổ phần muốn phát hành cổ phiếu ra công chúng và trở thành một công ty đại chúng, công ty sẽ phát hành cổ phiếu thông qua 1 “đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng” (IPO). Cổ phiếu được bán trong đợt IPO thường được phân phối với mức giá nhỏ hơn giá cổ phiếu khi thực hiện niêm yết lên sàn giao dịch chứng khoán. Các cổ phiếu này cũng có thể bị hạn chế giao dịch trong 1 khoảng thời gian để ngăn các nhà đầu tư bán tất cả cổ phiếu của họ khi cổ phiếu bắt đầu giao dịch.
8. Cổ phiếu Penny
Cổ phiếu penny là những cổ phiếu có giá thị trường ở mức dưới 10,000 đồng và được coi là có tính đầu cơ cao. Có nhiều cổ phiếu penny được giao dịch trên 3 sàn giao dịch lớn, nhưng cũng rất nhiều cổ phiếu giao dịch thông qua một thị trường mở (OTC). Các nhà đầu tư nên cân nhắc kỹ trước khi thực hiện đầu tư vào những cổ phiếu này do nó có mức biến động giá cao cùng mới mức thanh khoản thường ở mức thấp.
Cổ phiếu penny được truyền cảm hứng mạnh mẽ trong cộng đồng đầu tư sau khi bộ phim " The Wolf of Wall Street " được phát hành, một bộ phim kể về một cựu nhân viên môi giới chứng khoán đã thực hiện một vụ lừa đảo bằng cổ phiếu penny.
9. Cổ phiếu ESG
Các cổ phiếu được gọi là cổ phiếu ESG (môi trường - xã hội - quản trị doanh nghiệp) nhấn mạnh đến việc bảo vệ môi trường, công bằng xã hội và thực hành quản lý đạo đức. Ví dụ: cổ phiếu ESG có thể là một công ty đồng ý giảm lượng khí thải carbon của mình với tốc độ lớn hơn các mục tiêu quốc gia và ngành hoặc một công ty sản xuất năng lượng tái tạo.
Cổ phiếu ESG đã trở nên phổ biến và trở thành “trend” với thế hệ millennials trong những năm gần đây - một thế hệ có ý thức xã hội, những người có nhiều khả năng đầu tư vào những thứ họ tin tưởng và ủng hộ.
—
THÔNG TIN LIÊN HỆ:
▪️ Hotline: 033.939.9959
▪️ Địa chỉ: 88 Trung Kính, Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội
#Vintrust #Trust_in_Us