CHỨNG KHOÁN PHÁI SINH LÀ GÌ? ÁP DỤNG PHÁI SINH TRONG ĐẦU TƯ

Ngày đăng 01/06/2022

Thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam đã chính thức đi vào hoạt động vào năm 2017. Đây là một sản phẩm chứng khoán có thể giao dịch trong ngày và sinh lợi nhuận theo cả 2 chiều hướng biến động tăng và giảm của thị trường.Chứng khoán phái sinh sinh ra với mục đích để phòng ngừa rủi ro trên thị trường cơ sở. Để nắm rõ hơn những thông tin kiến thức về Chứng khoán phái sinh quý nhà đầu tư hãy cùng VinTrust tìm hiểu qua bài viết dưới đây:
 
Nội dung chính
  • Chứng khoán phái sinh 
 
  • Chứng khoán phái sinh ở Việt Nam 
 
  • Mục đích chứng khoán phái sinh 
 
1. Chứng khoán phái sinh là gì?
 
Chứng khoán phái sinh là công cụ tài chính mà giá trị của chúng phụ thuộc vào giá của một tài sản cơ sở. Chúng quy định quyền lợi và/hoặc nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng đối với việc thanh toán và/hoặc chuyển giao tài sản cơ sở với một mức giá được thỏa thuận trước vào một thời điểm nhất định trong tương lai.
 
Tài sản cơ sở của chứng khoán phái sinh có thể là hàng hóa như nông sản, kim loại, v,v.. hoặc công cụ tài chính như cổ phiếu, trái phiếu, lãi suất, v.v.
 
2. Các loại chứng khoán phái sinh
 
Chứng khoán phái sinh bao gồm 4 loại chính:
 
  • Hợp đồng kỳ hạn (Forward): là một thỏa thuận giữa hai bên tham gia để mua và bán một loại tài sản ở một thời điểm nhất định trong tương lai với mức giá được xác định trước ở thời điểm hiện tại.
 
  • Hợp đồng tương lai (Future): là hợp đồng kỳ hạn được chuẩn hóa, niêm yết và giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán.
 
  • Hợp đồng quyền chọn (Option): người nắm giữ hợp đồng quyền chọn có quyền, nhưng không phải nghĩa vụ, mua hoặc bán một loại tài sản cơ sở tại một thời điểm nhất định trong tương lai theo mức giá được xác định trước. Người bán hợp đồng quyền chọn có nghĩa vụ phải thực hiện giao dịch khi người nắm giữ hợp đồng chọn thực hiện quyền. Hợp đồng quyền chọn bao gồm quyền chọn mua và quyền chọn bán.
 
  • Hợp đồng hoán đổi (Swap): là một thỏa thuận giữa hai bên về việc hoán đổi các dòng tiền phát sinh từ các công cụ tài chính trong tương lai. Hợp đồng sẽ quy định rõ thời điểm hoán đổi dòng tiền và phương pháp tính toán cụ thể.


 
Trong đó, hợp đồng tương lai sẽ là sản phẩm chứng khoán phái sinh được niêm yết và giao dịch trên thị trường Việt Nam, cụ thể là Hợp đồng tương lai trên chỉ số cổ phiếu (VN30 và HNX30) và Hợp đồng tương lai trên trái phiếu chính phủ.
 
Việc giao dịch Hợp đồng đồng tương lai diễn ra tương tự so với giao dịch cổ phiếu thông qua giao dịch khớp lệnh hoặc giao dịch thỏa thuận. Nhà đầu tư sẽ dựa trên kỳ vọng của mình vào xu hướng của các chỉ số để tham gia vào Hợp đồng tương lai. Tương tự như cổ phiếu, nhà đầu tư kỳ vọng chỉ số tăng sẽ mua hợp đồng tương lai chỉ số, nhà đầu tư kỳ vọng chỉ số giảm sẽ bán hợp đồng tương lai chỉ số. Một điểm khác biệt là các hợp đồng tương lai sẽ đáo hạn. Ngày đáo hạn của hợp đồng tương lai là ngày hợp đồng ngừng giao dịch.Đến ngày đáo hạn, toàn bộ các vị thế đang mở của hợp đồng sẽ được xem là đóng vào cuối ngày. 
 
Ngày đáo hạn hợp đồng tương lai chỉ số VN30 được quy định là ngày thứ Năm thứ ba trong tháng đáo hạn hợp đồng.
 
Theo quy định, tại mỗi thời điểm sẽ có 4 mã hợp đồng tương lai cùng có hiệu lực tại một thời điểm với thời gian đáo hạn là ngày thứ Năm thứ ba của tháng hiện tại, tháng kế tiếp và hai tháng cuối hai quý tiếp theo. Do đó nhà đầu tư khi tham gia giao dịch cần lưu ý chọn hợp đồng có tháng đáo hạn phù hợp với kỳ vọng của bản thân.
 
Đối với cổ phiếu trên thị trường cơ sở, nhà đầu tư muốn mua cổ phiếu cần phải có đủ số tiền, và nhà đầu tư muốn bán cổ phiếu phải có đủ số cổ phiếu trước khi giao dịch. Tuy nhiên, đối với Hợp đồng tương lai, nhà đầu tư không cần có đủ toàn bộ số tiền để tham gia vị thế mua, hoặc không cần nắm giữ tài sản cơ sở để tham gia vị thế bán. Nhà đầu tư khi giao dịch Hợp đồng tương lai, đối với cả bên mua và bên bán, sẽ cần làm quen với hai hoạt động chính trong Giao dịch hợp đồng tương lai: ký quỹ và thanh toán hàng ngày.
 
3. Ký quỹ và thanh toán hàng ngày hoạt động như thế nào?
 
    Ký quỹ là một trong những điểm khác biệt của giao dịch chứng khoán phái sinh so với giao dịch cổ phiếu. Ký quỹ trong giao dịch chứng khoán phái sinh đóng vai trò như một khoản đặt cọc để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ của hai bên khi tham gia hợp đồng. Trung tâm lưu ký sẽ quy định tỷ lệ ký quỹ ban đầu cho mỗi loại hợp đồng khác nhau. Trong khi đó, đối với cổ phiếu, giao dịch ký quỹ là giao dịch mua chứng khoán có sử dụng tiền vay của công ty chứng khoán, trong đó chứng khoán có được từ giao dịch này và các chứng khoán khác được giao dịch ký quỹ của nhà đầu tư được sử dụng làm tài sản bảo đảm cho khoản vay trên.
 
    Để tham gia giao dịch hợp đồng tương lai, cả bên mua và bên bán đều bắt buộc phải có tài sản đặt cọc để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán. Tỉ lệ ký quỹ ban đầu do trung tâm lưu ký quy định sẽ nêu rõ nhà đầu tư phải ký quỹ bao nhiêu phần trăm giá trị hợp đồng trước khi tham gia giao dịch chứng khoán phái sinh.
 
    Nhà đầu tư không có đủ số tiền ký quỹ như yêu cầu có thể bị gọi ký quỹ, và phải nộp đầy đủ ký quỹ để có thể tiếp tục nắm giữ vị thế đối với Hợp đồng tương lai.
 
    Một điểm khác biệt nữa của thị trường chứng khoán phái sinh là cơ chế thanh toán hàng ngày. Nhà đầu tư khi giao dịch và nắm giữ các vị thế trong các hợp đồng chứng khoán phái sinh sẽ phải thực hiện thanh toán toàn bộ lãi lỗ phát sinh từ các vị thế đó mỗi ngày:
 
  • Nếu tài khoản chứng khoán phái sinh của nhà đầu tư lỗ ròng: nhà đầu tư sẽ phải thanh toán đầy đủ toàn bộ số lỗ phát sinh chậm nhất đến 9h sáng ngày hôm sau.
 
  • Nếu tài khoản chứng khoán phái sinh của nhà đầu tư lãi ròng: nhà đầu tư sẽ nhận được đầy đủ số lãi phát sinh sau 11h sáng ngày hôm sau.
 
     Lãi/lỗ ở mỗi vị thế sẽ được tính toán dựa trên giá giao dịch đóng cửa của hợp đồng tương lai đó. Riêng đối với các hợp đồng tương lai chỉ số đến ngày đáo hạn, lãi/lỗ sẽ được tính toán dựa trên giá đóng cửa của chỉ số tại ngày đáo hạn của hợp đồng tương lai đó.
 
4. Mục đích của công cụ chứng khoán phái sinh là gì?
 
 
    Các nhà đầu tư thường sử dụng các công cụ phái sinh vì ba lý do — để phòng vệ rủi ro, hoặc để đầu cơ. 
 
  • Phòng vệ rủi ro (hedging) thường được thực hiện để bảo vệ nhà đầu tư khỏi rủi ro của tài sản. Ví dụ, người sở hữu cổ phiếu mua quyền chọn bán nếu họ muốn bảo vệ danh mục đầu tư khỏi sự sụt giảm giá. Những nhà đầu tư này sẽ kiếm lời nếu cổ phiếu tăng giá nhưng cũng sẽ mất ít hơn nếu cổ phiếu giảm giá do quyền chọn bán được lợi.
 
  • Các công cụ phái sinh cũng có thể được sử dụng để đầu cơ. Điều này được lý giải bởi thị trường phái sinh cho phép nhà đầu tư bán khống (hoạt động bán tài sản mà nhà đầu tư không sở hữu, điều này không được cho phép tại thị trường cơ sở) và giao dịch T+0, tức là cho phép nhà đầu tư đóng mở vị thế ngay trong ngày.
 
Tuy nhiên, trong thực tế của thị trường chứng khoán phái sinh ở Việt Nam, hiện tượng chỉ số phái sinh lên xuống thất thường, đặc biệt gần ngày đáo hạn liên tục diễn ra. Trong đó, việc hạch toán lãi/lỗ theo ngày, cũng như giao dịch T+0 dẫn tới sự biến động tương đối mạnh trong phiên giao dịch, hiện tượng chỉ số phái sinh vượt vùng kháng cự sau đó mới giảm mạnh, hay gãy vùng hỗ trợ sau đó mới bật tăng mạnh liên tục diễn ra, gây khó khăn cho nhà đầu tư.
 
Có thể thấy, khi thua lỗ trên thị trường cơ sở, nhà đầu tư sẽ có mong muốn gỡ lỗ trên thị trường phái sinh và điều này đã thôi thúc một lượng không nhỏ nhà đầu tư dịch chuyển sang đầu tư phái sinh. 
 
  • Số lượng tài khoản giao dịch phái sinh cuối tháng 4 tăng 4,7% so với tháng trước, đạt 973.155 tài khoản. So với cuối năm 2021, số lượng tài khoản phái sinh tăng thêm hơn 230.000. 
 
  • Tổng khối lượng giao dịch hợp đồng tương lai trong tháng đạt 4.053.391 hợp đồng, giá trị giao dịch theo danh nghĩa hợp đồng đạt 591.000 tỷ đồng. Tính bình quân, khối lượng giao dịch hợp đồng tương lai trong tháng đạt 202,670 hợp đồng/phiên, tăng 56,68% so với tháng trước.
 
  • Giá trị giao dịch theo danh nghĩa hợp đồng bình quân đạt 29.483 tỷ đồng, tăng 52,77% so với tháng trước. Trong đó, phiên giao dịch ngày 26.4.2022 có khối lượng giao dịch lớn nhất đạt 394.782 hợp đồng. Đây cũng là phiên có khối lượng giao dịch cao nhất kể từ đầu năm 2022.
     Để hạn chế khả năng tác động giá từ thị trường phái sinh lên thị trường cơ sở, Uỷ ban Chứng khoán đã chấp thuận cho VSD ban hành Quy chế ký quỹ, bù trừ và thanh toán chứng khoán phái sinh. Trong đó, một trong những điểm mới của quy chế này là điều chỉnh giá thanh toán cuối cùng của hợp đồng tương lai chỉ số VN30.
 
    Theo đó, giá thanh toán cuối cùng sẽ là giá trị trung bình số học giản đơn của chỉ số VN30 trong 30 phút cuối cùng của ngày đáo hạn (bao gồm 15 phút khớp lệnh liên tục và 15 phút  khớp lệnh định kỳ đóng cửa) sau khi đã loại trừ đi 3 mức giá trị chỉ số cao nhất và 3 mức giá trị chỉ số thấp nhất của phiên khớp lệnh liên tục, thay vì chỉ lấy giá trị chỉ số VN30 phiên khớp lệnh định kỳ đóng cửa như cách tính trước đây.
 
     “Việc tính giá thanh toán cuối cùng theo phương pháp nêu trên sẽ được VSD áp dụng sau khi Sở giao dịch hoàn tất điều chỉnh thông tin hợp đồng mẫu và công bố tối thiểu sau 7 ngày làm việc theo quy định hiện hành”, lãnh đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho hay.
 
Nguồn: Topi
 
THÔNG TIN LIÊN HỆ:
▪️ Hotline: 033.939.9959
▪️ Địa chỉ: 88 Trung Kính, Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội
▪️ Fanpage: https://www.facebook.com/VintrustCompany
▪️ Website: https://vintrust.vn/
#Vintrust #Trust_in_Us

 

Bài viết cùng chủ đề

24/05/2022 CỔ PHIẾU LÀ GÌ? PHÂN BIỆT CÁC LOẠI CỔ PHIẾU TRÊN THỊ TRƯỜNG

CỔ PHIẾU LÀ GÌ? PHÂN BIỆT CÁC LOẠI CỔ PHIẾU TRÊN THỊ TRƯỜNG

Việc hiểu được cổ phiếu là gì và hiện tại trên thị trường có bao nhiêu cách để phân loại cổ phiếu là một khởi đầu tốt khi tham gia vào công cuộc đầu tư cổ phiếu.

xem bài viết