Tính đến ngày 7/7/2022, 28/1702 doanh nghiệp và ngân hàng niêm yết (chiếm 11,2% tổng giá trị vốn hóa trên HOSE, HNX và UPCoM) đã có ước tính về KQKD cho Q2-2022, trong đó bao gồm 2/27 ngân hàng và 25/1594 doanh nghiệp Phi tài chính.
Ước tính sơ bộ của FiinTrade cho thấy lợi nhuận sau thuế Q2-2022 của 28 doanh nghiệp và ngân hàng này ghi nhận mức tăng cao so với cùng kỳ (+57,1%), cụ thể:
-
Lợi nhuận tăng ở nhóm ngân hàng còn dư địa cho vay và thu nhập tốt từ phí: Hai ngân hàng quy mô vừa là TPBank (TPB) và Eximbank (EIB) ước lợi nhuận tăng cao trong Q2-2022. LNST của EIB tăng +193,4% YoY và +23,6% QoQ chủ yếu do giảm trích lập dự phòng trong khi đó TPB ghi nhận tăng trưởng +38,9% YoY và +35,4% QoQ nhờ đẩy mạnh cho vay và thu nhập tốt từ phí. Câu chuyện tăng trưởng của TPB dù chưa thể mang tính đại diện cho cả ngành nhưng cũng cho thấy tiềm năng lợi nhuận Q2 khả quan tại các ngân hàng còn dư địa cho vay và có thu nhập tốt từ hoạt động dịch vụ. Chỉ số giá chung của ngành ngân hàng đã giảm 16% YTD, đưa định giá P/B của nhiều cổ phiếu ngân hàng về dưới mức trung bình 10 năm. Chúng tôi cho rằng những ngân hàng có (i) tiềm năng lợi nhuận tốt trong Q2, (ii) định giá tương đương hoặc thấp hơn trung bình 10 năm và (iii) giá chưa phản ánh tiềm năng lợi nhuận Q2, ví dụ như ACB, VIB và LPB, sẽ là các cổ phiếu đáng quan tâm.
-
Nhu cầu sụt giảm sau COVID khiến lợi nhuận của DN ngành Bán lẻ chững lại: LNST của hai DN Bán lẻ (DGW và FRT) tăng +152% YoY trong Q2-2022, giảm tốc so với mức tăng +669% và +176% trong hai quý liền trước. Sức mua các sản phẩm điện tử (đặc biệt là laptop) sụt giảm sau COVID, khiến LNST Q2-2022 của DGW tăng thấp so với cùng kỳ (+20,1%) và giảm sâu so với quý trước đó. Thực tế này cũng đang diễn ra ở DN đầu ngành Bán lẻ là MWG. MWG hiện chưa có ước tính KQKD Q2, tuy nhiên doanh thu ngành hàng ICT và điện máy tăng thấp, +2% YoY, trong khi doanh thu Bách Hóa xanh giảm 8% YoY do nền so sánh ở mức cao vì nhu cầu mua thực phẩm tại siêu thị tăng mạnh trong giai đoạn giãn cách xã hội trước đây. Dưới áp lực lạm phát gia tăng, nhu cầu về các mặt hàng không thiết yếu (bao gồm hàng điện tử điện lạnh) dự kiến sẽ tiếp tục đi xuống trong thời gian tới, ảnh hưởng đến tăng trưởng doanh số của các DN bán lẻ.
-
Rủi ro suy thoái ở Mỹ và Châu Âu đã tác động tiêu cực lên hoạt động kinh doanh của DN sản xuất đá nhân tạo: Vicostone (VCS) ước tính doanh thu thuần và LNST Q2-2022 giảm lần lượt -3,8% và -16,9% YoY trong bối cảnh thị trường nhà ở tại các thị trường xuất khẩu chính (bao gồm Châu Âu và Bắc Mỹ) bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các yếu tố như lạm phát, lãi suất, chi phí và giá cả vật liệu tăng cao. Rủi ro suy thoái tại các thị trường xuất khẩu lớn đang là trở lực với tăng trưởng của VCS trong các quý tới bởi tỷ trọng đóng góp cao (khoảng 70%) của xuất khẩu vào tổng doanh thu.
-
Một số ngành dự kiến LN Q2 tích cực do đẩy mạnh xuất khẩu như Thủy sản (VHC, FMC) nhờ (i) cầu tiêu dùng hồi phục và (ii) chuỗi cung ứng bị gián đoạn; tuy nhiên giá cổ phiếu đã tăng trong nhiều tuần trước đây và hiện đang bị điều chỉnh do triển vọng lợi nhuận phía trước kém tích cực. Như chúng tôi đã chỉ ra trong Data Digest #12, rủi ro đối với tăng trưởng của nhóm xuất khẩu Thủy sản (cá tra, tôm) đó là tồn kho tại các thị trường xuất khẩu chủ lực (Mỹ, Châu Âu) tăng lên do tiêu thụ tăng thấp và cung dồi dào hơn.
—
THÔNG TIN LIÊN HỆ:
▪️ Hotline: 033.939.9959
▪️ Địa chỉ: 88 Trung Kính, Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội
▪️ Fanpage: https://www.facebook.com/VintrustCompany
▪️ Website: https://vintrust.vn/
#Vintrust #Trust_in_Us