Hiệu ứng bầy đàn hay tâm lý đám đông do nhà sinh vật học người Pháp Henri Fabre nghiên cứu là một trong những bài học để đời được giới đầu tư chứng khoán đặc biệt quan tâm.
Hiệu ứng bầy đàn là gì?
Hiệu ứng bầy đàn Henri Fabre dùng để chỉ những suy nghĩ hoặc hành vi của con người thường xuyên chịu ảnh hưởng của những người khác.
Theo thí nghiệm thực hiện trên loài sâu róm, Henri Fabre đã đặt một đàn sâu róm lên rìa của một bồn hoa, con nọ nối đuôi con kia thành vòng tròn, cạnh rìa bồn hoa. Sau đó ông rải một ít lá thông mà sâu róm rất thích ăn vào trong bồn hoa. Đàn sâu róm bắt đầu nối đuôi nhau bò vòng quanh bồn hoa hết vòng nọ đến vòng kia. Những con sâu róm chỉ biết đi theo con phía đằng trước đến khi cả đàn đều chết vì mệt và đói mà không hề nhận thức được rằng chỉ cần một con thay đổi hướng đi sẽ đến được chỗ lá thông có thể nuôi sống chúng.
Áp dụng trong cuộc sống, con người thường có xu hướng chạy theo những điều số đông cho là hay, đúng và sáng suốt, nhưng bản thân lại không suy nghĩ về ý nghĩa của sự việc. Các nhà tâm lý học xã hội cho rằng hiện tượng này không giống với hiện tượng tuân theo, phục tùng, vì hành động làm theo của họ không bị áp lực bởi số đông tạo ra, mà họ hành động vì cho rằng không lẽ nhiều người cùng làm như thế mà lại không có căn nguyên gì. Điều này cũng giải thích lý do tại sao càng nhiều người hành động giống nhau, tâm lý đám đông của nó càng lớn. Và đám đông càng nhiều người càng dễ gây ảnh hưởng.
Hiệu ứng bầy đàn trên thị trường chứng khoán
Thị trường chứng khoán là thị trường của đám đông, nhưng nghịch lý là khi theo đuổi đám đông thì đám đông thường không bao giờ chiến thắng. Theo thống kê không chính thức, 95% nhà đầu tư tham gia thị trường đều thua lỗ, và chỉ có khoảng 5% thành công.
Có thể trong một giai đoạn thị trường tăng, chúng ta đang nắm giữ một số mã cổ phiếu mang lại lợi nhuận nên sẽ rất khó cảm nhận được điều đó, nhưng về dài hạn với những nhà đầu tư từng lăn lộn trên thị trường chứng khoán nhiều năm, họ lại rất hiểu về quy luật “tàn khốc” và “khắc nghiệt” này.
Hiệu ứng bầy đàn vốn dĩ luôn xuất hiện trong tất cả thị trường chứng khoán thế giới, chứ không riêng gì ở quốc gia nào. Trong thị trường tư bản, hiệu ứng bầy đàn dùng để chỉ trong một nhóm các nhà đầu tư, nhà đầu tư riêng lẻ thường dựa vào hành động của các nhà đầu tư khác để hành động.
Khi người ta mua vào, mình cũng mua vào, khi người ta bán ra mình cũng bán ra. Tâm lý đám đông cũng ồ ạt chạy theo một hướng và xuất hiện trong hai trường hợp: Một là, các nhà đầu tư quá hưng phấn, hai là các nhà đầu tư quá sợ hãi. Cả hai trường hợp này đều nguy hiểm như nhau. Quá hưng phấn sẽ dễ tạo ra giá ảo, không thực chất, còn quá sợ hãi thì bán tháo tất cả để “cắt lỗ”. Thậm chí nhiều khi “cắt lỗ” cả nhưng mã cổ phiếu tốt, có cơ hội hồi phục trong tương lai.
Bài học xương máu dành cho nhà đầu tư chứng khoán
Chứng khoán là một thị trường “mua bán rủi ro”, nên rủi ro trên thị trường là điều không thể tránh được. Chúng ta chỉ có thể hạn chế bớt rủi ro cho mỗi quyết định đầu tư của mình bằng cách nâng cao năng lực của bản thân.
Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffet từng nói: “Hãy đầu tư vào bản thân và đầu tư vào bản thân là sự đầu tư tốt nhất.” Vì suy cho cùng, con người làm ra tiền bạc, chứ tiền bạc không làm ra con người.
Khi thị trường có những biến động mạnh, để không bị cuốn vào cơn hoảng loạn, nhà đầu tư phải liên tục trau dồi, tự tìm cho mình lối đi riêng, tránh phụ thuộc vào tâm lý đám đông. Đặc biệt nên học tập từ chính những lần khớp lệnh, chốt lời, cắt lỗ… của mình, ghi lại những sai lầm để tránh trong những lần giao dịch tiếp theo.
Bên cạnh đó, cần cập nhật thông tin về những quy định, văn bản, chính sách mới được ban hành, các yếu tố vi mô, vĩ mô và mọi thứ có ảnh hưởng để hiểu được cách cổ phiếu nói riêng và thị trường chứng khoán nói chung vận động. Hy vọng rằng những chia sẻ trên giúp nhà đầu tư cái nhìn tốt hơn để thay đổi và cải thiện phương pháp đầu tư chứng khoán của mình.
-
THÔNG TIN LIÊN HỆ:
▪️ Hotline: 033.939.9959
▪️ Địa chỉ: 88 Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội
▪️ Website: https://vintrust.vn/
#Vintrust #Trust_in_Us #Dich_vu_nguon